Vào đầu tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tổ chức lễ khai thác tạm một số hạng mục đã hoàn tất. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hoạt động nhằm tránh lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất. Ðể hệ thống cảng này được hoàn thiện phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các cơ quan chức năng cần tạo bước đột phá về nguồn vốn đầu tư.
Việc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tổ chức Lễ tiếp nhận và bốc xếp chuyến tàu đầu tiên được xem như một sự kiện đối với hệ thống cảng của thành phố, bởi sau bốn năm thi công và đình trệ do thiếu vốn, công ty này đã nỗ lực hoàn thiện những hạng mục đầu tiên để khai thác nhằm tránh tình trạng cơ sở vật chất của cảng nằm phơi nắng gây lãng phí. Theo Cảng Sài Gòn, dù chỉ khai thác tạm 200 m cầu tàu đầu tiên nhưng cũng là hoạt động đánh dấu một bước ngoặt trong lộ trình di dời khu Cảng Nhà Rồng Khánh Hội của Cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành để phát triển một cảng mới quy mô lớn, hiện đại.
Dự án đầu tư Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn I phục vụ việc di dời khu Cảng Nhà Rồng Khánh Hội (đơn vị chủ quản là Cảng Sài Gòn) có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 2.700 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư dự án tại Văn bản số 1603/TTg-CN ngày 10-10-2006, và thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 7712/BGTVT-KHÐT ngày 10-12-2006. Khởi công từ ngày 16-5-2009 đến nay, song hiện tiến độ của dự án cũng mới hoàn thành được 38% khối lượng với các hạng mục như cầu tàu số 3 dài 200 m, hai bến phao 30.000 DWT, ba cần cẩu vạn năng, sáu gầu ngoạm và ba phễu. Một số hạng mục khác đang thi công dở dang bao gồm cầu tàu số 2 (dài 400m) với khối lượng đạt 60%; xử lý nền đạt 70%, kho hàng rời với khối lượng đạt 34%.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: Việc đưa vào khai thác tạm này nhằm tránh lãng phí và xuống cấp những hạng mục đã hoàn tất, thế nhưng việc khai thác tạm cũng còn gặp nhiều khó khăn như: do chưa có đường bộ vào cảng nên hoạt động khai thác, bốc dỡ hàng hóa chủ yếu thực hiện bằng đường thủy. Khi đưa vào khai thác, các hạng mục cũng sẽ bắt đầu được tính khấu hao. Tuy nhiên, thời gian tính khấu hao nếu theo quy định sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Thí dụ: một cầu tàu trong cảng có vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, theo quy định được tính khấu hao là 30 năm, tức một năm chi phí khấu hao hơn tám tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu một năm của việc khai thác 200 m cầu cảng hiện cũng chỉ ở mức 8,4 tỷ đồng/năm. Như thế, số doanh thu cả năm mới chỉ đủ đề trừ tiền khấu hao của một hạng mục trong cảng. Ngoài ra, hiện hoạt động bốc xếp trong cảng cũng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các cảng khác về chi phí bốc xếp, bến bãi... Hiện, cảng đang tiếp tục chờ vốn để hoàn thiện các hạng mục còn lại (dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng) mới có thể ổn định, cạnh tranh với các cảng khác và có doanh thu.
Ðể tiếp tục có vốn để hoàn thiện dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đồng thời di dời hệ thống cảng Sài Gòn hiện hữu ra khỏi nội thành, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn Huỳnh Văn Cường cho biết: Cảng đã gửi kiến nghị tới Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ nhằm hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, đến nay do tình hình kinh tế khó khăn nên chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng đã yêu cầu cảng có báo cáo chi tiết về những khó khăn hiện tại để Bộ trình Chính phủ những giải pháp nhằm tháo gỡ. Một phương án khác khá khả thi là, sau khi thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để chuyển đổi công năng thì cảng sẽ tổ chức kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư để lấy vốn đầu tư cho Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Ðối với tuyến đường D3 (dài gần hai km), sau nhiều năm và nhiều phương án xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thành, thì dự kiến công ty cổ phần thực hiện dự án chuyển đổi công năng sẽ tạm ứng vốn để tiếp tục thi công tuyến đường D3 từ Khu công nghiệp Hiệp Phước vào cảng và xây dựng hoàn thiện, đưa vào khai thác dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước trong năm 2015. Mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành xem xét phương án đầu tư xây dựng tuyến đường D3, đề xuất trình UBND thành phố thời gian sớm nhất để có hướng giải quyết.
YÊN TÀO
Nguồn: NDO
Chuyên mục khác
- » Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tổ chức thành công Đại hội Cổ đông thường niên năm 2024
- » Trình Thủ tướng chủ trương đầu tư, siêu cảng Cần Giờ trước cơ hội sắp thành hiện thực
- » Nghị quyết 16-NQ-ĐHĐCĐ 06-12-2024
- » Biên bản họp Đại hội Đồng cổ đông Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước
- » Thông báo tuyển dụng
- » THƯ MỜI QUAN TÂM CUNG CẤP CẦN CẨU BÃI RTG (ngày 05.8.2024)
- » THÔNG BÁO THU PHÍ HÀNH KHÁCH QUA CẢNG
- » THƯ MỜI QUAN TÂM 08.5.2024
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
- » Cục trưởng Nguyễn Nhật khảo sát tình hình thực hiện quy hoạch nhóm cảng biển số 5